Đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 50 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng.
Trong những năm gần đây, bệnh lý đột quỵ đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi. Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022, có đến hơn 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15 – 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số bệnh nhân là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
VnExpress dẫn lời PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Những nguy cơ không thể can thiệp như độ tuổi (càng lớn tuổi nguy cơ càng cao), giới tính, sự khác biệt do tập quán, sinh sống, chủng tộc… Nhóm nguy cơ có thể thay đổi là tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì, hút thuốc lá và uống rượu bia quá nhiều…
Đối với người trẻ, nguy cơ đột quỵ có thể do nguyên nhân rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Lý do là thói quen ăn uống thiếu khoa học, ít tự nấu ăn và thường xuyên ăn ngoài, chuộng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn… làm tăng khả năng rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao. Tỷ lệ apolipoprotein B và apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) ở người rối loạn chuyển hóa mỡ máu có liên quan mật thiết đến đột quỵ nhồi máu não và các bệnh lý não bộ khác.
Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ
Thường xuyên đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi
Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi là những triệu chứng xuất hiện đầu tiên về tình trạng đột quỵ ở người trẻ. Vốn không phải là triệu chứng đặc trưng hay quan trọng nhất nhưng đây lại là dấu hiệu chính giúp nhận biết sớm cơn tai biến mạch máu não.
Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi là những triệu chứng xuất hiện đầu tiên về tình trạng đột quỵ ở người trẻ
Đối với bệnh tai biến mạch máu não, các triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột, không liên quan tới việc gắng sức hay tính chất công việc. Đặc biệt, tình trạng đau đầu có thể diễn ra ở mọi thời điểm, thậm chí ngay trong khi người bệnh đang nghỉ ngơi.
Ngoài ra, các dấu hiệu này thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như rối loạn tiền đình, thiếu máu lên não… Vì vậy, người bệnh cần chú ý theo dõi để phát hiện và xử trí kịp thời cơn tai biến mạch máu não.
Rối loạn cảm giác vận động
Rối loạn cảm giác vận động là một trong những dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ. Nếu người bệnh xảy ra rối loạn cảm giác vận động như liệt nhẹ nửa người, hạn chế vận động, thất diều… thì nguy cơ dẫn tới tai biến mạch máu não là rất cao. Nếu là cơn thiếu máu não thoáng qua, các triệu chứng rối loạn vận động thường sẽ tự hồi phục hoàn toàn sau khoảng 5 – 10 phút. Tuy nhiên, nếu thiếu máu cục bộ hình thành, tình trạng này có thể để lại những di chứng suốt đời. Theo một số nghiên cứu, có tới 92% người bệnh tai biến mạch máu não gặp phải di chứng này.
Rối loạn ngôn ngữ
Tai biến là một trong số ít những nguyên nhân gây ảnh hưởng nặng nề tới khả năng ngôn ngữ của người bệnh. Ở người trẻ, chỉ cần xuất hiện cảm giác khó nói hay không thể diễn đạt các nội dung bằng lời nói thì có thể coi mức độ tai biến là tương đối nặng.
Suy giảm trí nhớ
Dấu hiệu tai biến mạch máu não ở người trẻ thể hiện qua suy giảm trí nhớ. Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất ở người trẻ. Bởi sự thay đổi về trí nhớ sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng công việc và cuộc sống.
Hay quên, thường lẫn lộn các vấn đề với nhau… là những dấu hiệu thường gặp của suy giảm trí nhớ mà người bệnh có thể gặp phải. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu hụt máu và lượng oxy nuôi dưỡng khiến các tế bào não hoạt động chậm và kém dần.
Rối loạn cảm giác
Rối loạn cảm giác ở tay chân như tê bì hay bị châm chích, kiến bò là một dấu hiệu nhận biết tai biến theo thang điểm FAST mà tổ chức y tế thế giới khuyến cáo. Nếu rối loạn cảm giác ở tay chân diễn ra thường xuyên mà không liên quan tới các yếu tố tác động khác như thời tiết, dị nguyên… thì người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế.
Nhìn mờ hoặc bị mù tạm thời
Việc máu không thể lưu thông bình thường rất dễ khiến não bị thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết. Khi đó, các mạch máu cũng như dây thần kinh tại các khu vực trên cơ thể không hoạt động bình thường làm mạch máu, cơ mắt bị tổn thương và dẫn tới suy giảm thị lực rõ rệt. Trong một số trường hợp, các vùng tổn thương não đã hình thành có thể xuất hiệu dấu hiệu mù tạm thời một bên mắt. Thường triệu chứng này có liên quan nhiều tới tình trạng thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
Các biến chứng đột quỵ ở người trẻ tuổi
Các biến chứng đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng giống như đột quỵ ở người cao tuổi. Mặc dù có thể cơ địa người trẻ tuổi tốt hơn nên khả năng hồi phục sau đột quỵ cao hơn nhưng nếu bệnh nặng sẽ gây tàn phế, ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bệnh cũng như trở thành gánh nặng cho các thành viên khác trong gia đình. Những biến chứng phổ biến của đột quỵ bao gồm:
Sưng và phù nề não sau đột quỵ, khó đi lại hoặc di chuyển tay chân do liệt, có thể bị mất hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt, viêm phổi, đau tim, trầm cảm, viêm loét, hoại tử do nằm liệt giường trong thời gian dài, suy giảm nhận thức, động kinh, các chi co cứng, đau vai, chứng nghẽn mạch máu, nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang, mất chức năng ngôn ngữ …
Cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ?
Với tâm lý chủ quan, ít quan tâm tới sức khỏe nên tỷ lệ người trẻ mắc tai biến đang ngày càng gia tăng. Để phòng ngừa bệnh lý cấp tính này, nên điều chỉnh lối sống sinh hoạt và ăn uống hợp lý, cụ thể đó là:
– Hình thành thói quen lành mạnh, ăn uống đúng giờ và ngủ đủ giấc.
– Duy trì thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tình trạng stress, áp lực công việc.
– Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao phù hợp với thể trạng. Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu nhỡ như nội tạng, đồ ăn nhanh… bỏ thói quen hút thuốc, sử dụng thức uống có cồn hay các chất kích thích khác.
– Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để giảm bớt áp lực và căng thẳng trong cuộc sống.
– Thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ, đồng thời thực hiện các xét nghiệm cần thiết để kiểm soát các chỉ số về mức an toàn.
PN (SHTT)