Người đàn ông này không ngờ rằng khi tìm được về nguồn cội thì cha anh đã ở thế giới bên kia. Trước phút lâm chung, cha vẫn dặn dò người thân trong nhà nhất định không được từ bỏ ý định tìm con trai út.
Ngờ đâu 2 tiếng gọi “Cha” lần ấy cũng là lần cuối
Đầu xuân năm 1991, Wang Aiwen ở làng Minying, thị trấn Longma, huyện Renshou, thành phố Meishan, Tứ Xuyên, Trung Quốc dẫn cậu con trai út Wang Wei đi công việc cùng mình. Họ ở trong một khách sạn gần ga xe lửa, nơi mọi người qua lại rất đông đúc.
Bấy giờ, ông Wang là trụ cột kinh tế của cả nhà. Gia đình không giàu có nhưng các thành viên luôn hòa thuận, sống vui vẻ bên nhau. Wang Wei là con út trong nhà, trên cậu còn hai anh chị và được mọi người rất yêu chiều. Ngay cả khi cậu theo anh trai Wang Qing đến trường, các bạn cùng lớp của Wang Qing cũng rất thích chạy ra chơi và bế cậu bé.
Sáng ngày 27/2, chỉ 3 ngày sau sinh nhật lần thứ 4 của Wang Wei, ông Wang Aiwen vẫn bận rộn ở khách sạn như thường lệ, còn Wang Wei thì đang chơi ở quảng trường bên ngoài. Đột nhiên, ông nghe thấy con trai gọi “Cha” 2 lần. Bình thường, khi Wang Wei khi chơi vẫn hay la lên như vậy nên ông Wang Aiwen không thể ngờ rằng đây cũng là lần cuối ông được nghe con trai út gọi cha.
Wang Qing khi đó 16 tuổi nhớ rằng khi đi chơi về thì nhìn thấy cha đang nằm bất tỉnh trên giường. Cậu mơ hồ cảm thấy có chuyện gì đó đã xảy ra, lúc sau mới biết em đã mất tích. Ông Wang Aiwen sau khi tỉnh lại ngay lập tức bắt đầu việc tìm kiếm con trai. Thế nhưng sau nhiều ngày tỏa đi khắp nơi, ông đã trở về nhà tay trắng.
Những ngày sau đó, dường như trong nhà họ chỉ có 2 chữ “đi tìm”. Chỉ cần được ai đó cung cấp manh mối thì dù xa đến đâu, họ cũng sẽ tìm cách tới đó thật nhanh để rồi lại thất vọng quay về. Wang Qing nhận ra cha mình ngày càng ít nói và uống rượu ngày càng nhiều.
“Cha tôi cảm thấy rất có lỗi và tất cả chúng tôi đều có thể nhìn thấy rõ điều đó”, Wang Qing nói.
Sau khi con trai mất tích, ông Wang đóng khung bức ảnh của con, đi đâu cũng luôn mang theo bên mình. Chỉ cần thấy ai đó có nét giống con, ông sẽ đi lên nhìn cho bằng rõ.
Wang Qing nhớ rằng cha anh, người vẫn thường ở nhà quanh năm, sau đó chỉ về nhà vào dịp lễ hội mùa xuân. Mỗi khi trở về, việc đầu tiên ông làm là lấy những bức ảnh cũ ra xem rồi lại cất đi.
Mang theo nỗi nhớ con về thế giới bên kia
Mỗi khi gia đình có dịp đoàn tụ, điều họ cảm thấy không phải niềm vui mà là nỗi đau về người thân mất tích.
“Chúng tôi đi đâu cũng mang theo cái bát em út từng ăn đi để lấy cơm. Bằng cách này, chúng tôi như nhìn thấy em ở bên cạnh, 3 bữa mỗi ngày, dù sao cũng nguôi ngoai nỗi nhớ”, Wang Qing nhớ lại.
Ngày ấy, gia đình họ không có ảnh của Wang Wei trước lúc mất tích mà chỉ có ảnh từ khi còn nhỏ. Điều kiện rất hạn chế, việc tìm người giống như mò kim đáy bể.
Năm 2015, ông Wang qua đời vì bệnh tật. Trước khi ra đi, ông thường bần thần nhìn chiếc bát mà con trai út vẫn ăn khi còn nhỏ.
“Không tìm được con trai là nỗi đau lớn nhất cuộc đời cha. Trước phút lâm chung, ông vẫn dặn chúng tôi phải tìm em út cho bằng được, không bao giờ được từ bỏ ý định tìm em”, Wang Qing xúc động nói.
Vậy là tâm nguyện lớn nhất cuộc đời ông Wang đã chẳng thể đạt được. Những người ở lại dù rất muốn tìm Wang Wei nhưng chẳng biết phải làm sao. Và cách họ hàng ngàn dặm, ở thành phố Hebi, tỉnh Henan, Zhang Mouyong cũng bối rối muốn biết mình đến từ đâu.
Zhang Mouyong nhớ hồi nhỏ khi bị bắt nạt, chúng sẽ nói anh không phải con ruột của cha mẹ mình. Nhiều lần như vậy khiến trong lòng anh không khỏi sinh nghi. Zhang Mouyong muốn tìm kiếm câu trả lời nhưng nhìn cha mẹ và chị gái hết mực yêu thương mình, anh lại không nỡ. Cho đến một lần trong cơn say, cha của Zhang Mouyong đã vô tình xác nhận sự việc này.
Vào lúc đó, tảng đá trong lòng Zhang Mouyong cuối cùng cũng rơi xuống. Những câu hỏi cứ thế ám ảnh trong đầu anh: “Tôi là ai và tôi đến từ đâu? Làm sao tôi lại bị lạc? Cha mẹ ruột của tôi là ai và họ ở đâu?”.
Một mặt là khao khát tìm được cha mẹ ruột, một mặt không muốn làm cha mẹ nuôi buồn, Zhang Mouyong đành chôn sâu mọi vướng mắc trong lòng. Vì điều kiện gia đình không tốt, anh sớm dừng lại việc học, đi làm rồi kết hôn và sau đó có 2 cô con gái.
Từ khi có gia đình nhỏ của riêng mình rồi làm cha, khao khát muốn tìm về nguồn cội của anh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng khi đó mẹ nuôi đã qua đời, cha nuôi cũng ngoài 70 tuổi, sức khỏe không đảm bảo, anh sợ hành động của mình sẽ gây tổn hại đến cha.
Thời gian trôi qua, vào năm 2021, Zhang Mouyong vô tình nhìn thấy trên mạng có người đang tìm kiếm người thân. Thấy có khá nhiều thông tin trùng khớp, anh chủ động liên hệ nhưng kết quả không phải. Sau đó, Zhang Mouyong đã tìm đến cơ quan cảnh sát và thu thập mẫu máu của chính mình.
Ngày con đi cha còn khoẻ mạnh, ngày con về cỏ đã xanh mộ cha
Tới tháng 9/2021, với sự giúp đỡ của cơ quan cảnh sát, Zhang Mouyong đã thành công tìm được gia đình, biết rằng mình thực sự tên là Wang Wei, quê ở Tứ Xuyên và bị thất lạc từ năm 4 tuổi. Có quá nhiều nỗi niềm trong suốt 30 năm xa cách, đêm trước ngày đoàn tụ, cả Wang Wei và gia đình anh đều không thể ngủ được.
Ngày 17/9, để chào đón Wang Wei, người đã xa nhà 30 năm trở về, cơ quan cảnh sát đã cùng gia đình tổ chức buổi lễ đoàn tụ với biểu ngữ “Chào mừng về nhà” được treo khắp nơi. Tại buổi lễ, chiếc bát cơm mà Wang Wei sử dụng khi còn nhỏ cũng được gia đình mang theo, đặt cạnh đó là những chiếc bánh trung thu tượng trưng cho sự đoàn tụ. Người thân và bạn bè ở bên nhau, cùng nhớ lại Wang Wei khi còn nhỏ như thế nào. Tết Trung thu năm đó, gia đình cậu cuối cùng không còn phải đối mặt với nỗi đau mất mát nữa.
Sau buổi lễ ở quảng trường, cả nhóm lái xe thẳng về làng Minying, cách đó hơn 10 km. Sau khi xuống xe, Wang Wei không tới nơi người dân tổ chức tiệc đón mình mà ra thẳng mộ cha. Dưới những khóm tre, trước mộ cha, Wang Wei cùng vợ và con gái quỳ xuống hồi lâu: “Cha! Cuối cùng con đã về!” .
Theo Bảo Bảo (Tri thức & Cuộc sống)