Tiêu chảy lâu ngày là dấu hiệu thường thấy của nhiều bệnh ung thư.
Ông Su 55 tuổi ở Trung Quốc có thói quen ăn các món muối chua như dưa chua, cua muối… Gần đây, ông liên tục bị tiêu chảy. Tình trạng này kéo dài suốt 1 tháng nên ông đã đến bệnh viên để nội soi dạ dày. Kết quả cho thấy, ông bị tổn thương dạng lõm thể dạ dày.
Theo lời khuyên của bác sĩ, con trai và con gái ông nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện tuyến đầu để khám kĩ hơn. Qua nội soi dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện một tổn thương rõ ràng ở thành sau phần trên thân dạ dày của ông Su và 2 tổn thương ở đoạn ngực của thực quản. Ngoài 3 tổn thương này, họ còn phát hiện thêm nhiều tổn thương ở phần cong lớn của thực quản, hang vị dạ dày và thực quản gần tâm vị. Một tổn thương rất khó thấy.
Bác sĩ Ji Feng, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Đại học Chiết Giang ban đầu đánh giá 5 tổn thương trên đều là tổn thương sớm và có thể điều trị bằng cách thực hiện bóc tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) từng cái một. 2 ngày sau ca phẫu thuật, ông Su đã dần hồi phục vì may mắn phát hiện sớm và điều trị thành công.
Các khối u ở đường tiêu hóa rất dễ dẫn đến ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư đường ruột. Việc phát hiện sớm và điều trị sớm là rất quan trọng. Ung thư đường tiêu hóa giai đoạn đầu thường không có triệu chứng sớm, tỷ lệ phát hiện sớm rất thấp. Khi xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, sụt cân thì thường ở giai đoạn giữa và cuối.
Hiện nay, phương pháp duy nhất có thể xác định được các khối u ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm là nội soi đường tiêu hóa. Đối với những người trên 40 tuổi, hoặc trong gia đình có người mắc bệnh u đường tiêu hóa, cũng như nhóm nguy cơ cao hút thuốc lá nhiều, uống rượu, thích đồ ăn nóng, chua… tốt nhất nên nội soi tiêu hóa hằng năm. Đối với những người khác, nên thực hiện nội soi 2 đến 3 năm một lần để đảm bảo có thể phát hiện các khối u đường tiêu hóa càng sớm càng tốt và điều trị kịp thời.
Theo Quỳnh Trang (Tri thức & Cuộc sống)