Tắm đêm là một thói quen xấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng nhưng không ít người biết mà vẫn làm.
Thông tin chuyên gia trang điểm nổi tiếng Lâm Nguyễn (từng gây chú ý trên chương trình “Người ấy là ai”) qua đời ở tuổi 32 đã khiến rất nhiều người sững sờ. Không chỉ bởi sự ra đi của anh đột ngột mà còn có liên quan tới một thói quen rất phổ biến, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi: thường xuyên tắm đêm.
Theo chia sẻ chính thức từ chị gái của Lâm Nguyễn, anh vốn có tiền sử mắc bệnh hen suyễn. Thời gian qua, anh liên tục công tác nước ngoài, thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường, cộng với việc thường xuyên mất ngủ do trái múi giờ dẫn tới suy nhược cơ thể, ăn không ngon miệng. Từ khi về Việt Nam vào tháng 3, anh bị lệch múi giờ lại quá bận rộn dẫn tới sinh hoạt thất thường, sức khỏe càng giảm sút.
Đặc biệt, Lâm Nguyễn có thói quen xấu là tắm đêm dẫn tới lạnh phổi, bị cảm lâu không khỏi, sốt nhiều và lặp đi lặp lại. Ngày 8/5, anh nhập viện cấp cứu trong tình trạng viêm phổi cấp, suy thận nguy kịch. Dù các y bác sĩ đã cố gắng chạy chữa nhưng anh không qua khỏi, qua đời vào đầu giờ chiều ngày 9/5.
Viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang; bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Bệnh xảy ra do các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.
Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Suy thận hầu hết sẽ làm tổn thương các Nephron (một đơn vị cấu trúc của thận) khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không điều trị hoặc điều trị thất bại sẽ gây mất chức năng thận.
Những tác hại khủng khiếp của thói quen tắm đêm nhiều người chưa biết rõ
Giống như trường hợp của Lâm Nguyễn, rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ có thói quen tắm đêm thường xuyên. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này như quá bận rộn, sở thích, đối phó với thời tiết nóng nực, muốn tắm trước khi ngủ để ngủ ngon hơn… Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì thì đây cũng là một thói quen cực kỳ nguy hiểm, ngay cả khi bạn đang còn trẻ tuổi, rất khỏe mạnh.
Đa số mọi người đều biết rằng tắm đêm không tốt cho sức khỏe nhưng lại không nắm rõ nó hại ra sao. Đó cũng là một yếu tố quan trọng khiến không ít người chủ quan, bất chấp nguy hiểm mà làm nó mỗi ngày. Khi tắm đêm tức là bạn đã tự đặt mình vào ít nhất 7 mối nguy hại được các chuyên gia sức khỏe cảnh báo trên Bright Side sau đây:
– Ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn máu, đặc biệt là dễ xảy ra hiện tượng co thắt mạch máu, đau đầu, choáng váng…
– Cảm lạnh, sốt cao, cảm cúm, ho, suy giảm miễn dịch. Đặc biệt là nếu tắm khuya vào những ngày cơ thể mệt mỏi hoặc tắm bằng nước lạnh.
– Nhiễm lạnh phổi dẫn tới nhiều bệnh đường hô hấp nguy hiểm như viêm phổi, phổi tắc nghẽn…
– Đột tử giữa đêm. Bởi tắm đêm dễ khiến các mạch máu não bị co lại một cách đột ngột, gây đột quỵ do nhồi máu não hoặc mạch vành. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thậm chí nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp và căng thẳng tim mạch, rối loạn nhịp tim.
– Các bệnh về khớp như thấp khớp, viêm xương khớp… do sự phản ứng giữa nhiệt độ nước với cơ thể vào ban đêm.
– Đau đầu mãn tính, mất ngủ. Do cơ thể nhiễm lạnh, máu khó lưu thông, cơ thể phải thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ dẫn tới khó ngủ.
– Lão hóa sớm, dễ tăng cân cũng là những tác hại mà tắm đêm mang tới. Khi tắm đêm, cơ thể sẽ không nhận được đủ oxy, gây rối loạn quá trình trao đổi chất và đẩy nhanh quá trình lão hóa sớm, khó tiêu hóa gây dễ tăng cân.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, thời điểm tốt nhất bạn nên tắm vào buổi tối là từ 19 – 20 giờ. Dù vì bất cứ lý do gì thì cũng tuyệt đối không tắm sau 23 giờ và tốt nhất là tắm bằng nước ấm ngay cả vào mùa hè nếu tắm muộn. Cũng không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng, chênh lệch nhiệt độ nhiều với môi trường. Không tắm ngay sau khi ăn xong, khi đang quá no hoặc quá đói, không đi ngủ ngay sau khi tắm. Không dội nước đột ngột lên người mà hãy làm ướt tay chân trước để cơ thể thích nghi với nhiệt độ nước, tắm xong cần chú trọng việc làm khô tóc và cơ thể.
Theo Ngọc Ái (Phụ Nữ Mới)