Bạn nghĩ ai là người chịu trách nhiệm về việc này?
Đồng ý rằng bài tập tiểu học rất dễ, nhưng đó chỉ là dưới góc nhìn người lớn. Với những đứa trẻ còn tuổi ăn tuổi chơi, ít tập trung, việc giảng cho con một bài Toán đôi khi cha mẹ phải vật lộn cả buổi tối. Vậy nên mới có chuyện nhiều phụ huynh chia sẻ tình huống hài hước phải “vò đầu bứt tóc”, “tự trói tay”, “chui đầu vào tủ lạnh”.
Trên các diễn đàn, chủ đề kèm con học luôn rôm rả, bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười khi chia sẻ luôn nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ những vị phụ huynh khác. Dù đã ngàn lần luôn tự nhắc mình phải hít thở sâu, bình tĩnh khi dạy con học nhưng đôi khi dạy mãi không hiểu, tụi nhỏ lơ là là người lớn như mất hết năng lượng, lại nổi điên với con.
Mới đây, ông Lưu ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cũng thấm thía hậu quả của việc không giữ được bình tĩnh khi kèm con học. Được biết, ông Lưu có một cô con gái năm nay đang học lớp 1. Mặc dù lần nào dạy con học tâm trạng ông cũng rất khó chịu ông bố vẫn cố gắng kiềm chế tính nóng nảy của mình.
Một ngày nọ, ông kiên nhẫn giải thích cho con gái về một chữ cái. Lần 1, lần 2 rồi lần 3… Đến lần thứ 10, ông như “phát điên”, tức giận đến mức ngã xuống đất. Sau một cú va chạm mạnh, ông bị gãy đốt sống lưng, phải nằm viện. Xuất viện xong, ông bố tuyên bố sẽ không giúp con gái làm bài tập nữa. Nhiều người đùa, lần này ông Lưu không chỉ bị thương ở xương mà còn “tổn thương” ở tim nữa.
Các bậc phụ huynh đều có mong muốn con cái thành đạt. Vì vậy, để rèn luyện cho học sinh thói quen học tập tốt và ngày càng nâng cao thành tích học tập, họ sẽ đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là dạy kèm bài tập về nhà. Tuy nhiên, việc tưởng chừng đơn giản này lại khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu.
Việc học sinh làm bài tập một cách cẩu thả và trì hoãn là điều rất bình thường. Điều này không liên quan nhiều đến trình độ của phụ huynh nên cha mẹ có thể thoải mái và đừng tự trách mình quá nhiều.
Trước hết, cha mẹ phải nhận thức đầy đủ rằng con mình có thể không thông minh như họ nghĩ. Trong mắt phụ huynh, bài tập về nhà của học sinh có vẻ rất đơn giản và họ nghĩ rằng chỉ cần một chút trợ giúp là có thể hiểu được. Thực tế là dù phụ huynh đã giải thích nhiều lần nhưng học sinh vẫn bối rối, khó hiểu và dễ bị suy sụp tinh thần.
Ngẫm lại, phụ huynh chúng ta cũng từng có một “tuổi thơ dữ dội” khiến cha mẹ không hài lòng như thế. Điều những đứa trẻ cần chính là sự bình tĩnh, động viên. Đồng thời, phụ huynh cũng nên chấp nhận rằng, mỗi đứa trẻ có một khả năng tiếp thu khác nhau để từ đó tránh so sánh, kỳ vọng quá mức ở con mình.
Cứ nghĩ đến nụ cười hồn nhiên của con và những tháng ngày vật vã cùng con chữ mấy chục năm trước của mình, chắc hẳn phụ huynh sẽ đồng cảm và có động lực “chiến đấu” với những đứa nhỏ mà thôi.
Trong lúc kèm con học, bố mẹ có thể áp dụng các cách sau để giữ bình tĩnh:
Khi nóng giận, thay vì mắng con, bố mẹ hãy từ từ uống một ly nước mát. Trong lúc uống, bố mẹ tĩnh tâm, suy nghĩ về tình huống và cách xử lý. Có thể việc con chậm tiếp thu một phần do bố mẹ dạy con học chưa đúng cách.
Sau khi uống nước, nếu bố mẹ vẫn chưa hạ hỏa được thì hãy đi rửa mặt thật kỹ. Nước mát sẽ khiến bố mẹ dịu lại và bình tâm hơn. Trong lúc rửa mặt, bố mẹ hãy soi gương và suy nghĩ thêm những cách khiến con chăm chỉ học tập, có thể là một biện pháp khen thưởng nhằm khích lệ tinh thần học của con.
Để khiến cơn giận thực sự lắng xuống khi chưa nghĩ ra cách xử lý, bố mẹ hãy đi tắm. Thời gian và sự thư giãn khi tắm gội sẽ giúp làm bố mẹ bay biến cơn cáu giận. Khi đầu óc thảnh thơi hơn, chắc chắn bố mẹ sẽ nghĩ ra cách hay ho nhất để kèm con học.
Bên cạnh đó, để con tập trung tốt nhất vào bài vở, bố mẹ nên loại bỏ những thứ phiền nhiễu xung quanh như: Tắt tivi, cất hết những món đồ chơi sặc sỡ… Đồng thời bố mẹ không nên bắt ép con học trong thời gian quá dài mà nên kết hợp vừa học vừa nghỉ giải lao. Điều này giúp cả con lẫn bố mẹ giải tỏa được áp lực.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Số)