Ngôi nhà nghiêng mạnh khiến chủ nhân không dám vào ở, hàng xóm quanh đó cũng được thông báo dọn khỏi nhà vào mỗi buổi tối để đảm bảo an toàn.
Tọa lạc ở xóm Báng, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, ngôi nhà 5 tầng dù mới xây nhưng đã bị nghiêng mạnh về phía bên phải. Tính từ tầng cao nhất xuống tầng 1, độ nghiêng khoảng 1m.
Theo ông Nguyễn Quang Phi, Chủ tịch UBND xã Đức Lý, ngôi nhà thuộc sở hữu của cặp vợ chồng làm nghề may, sau một tháng hoàn thiện mới có dấu hiệu nghiêng. Chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ nhà không được vào ở và hàng xóm quanh đó phải dọn đồ đạc, không ngủ ở nhà vào buổi tối phòng trường hợp ngôi nhà sập đổ.
Ngôi nhà nghiêng mạnh ở xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Facebook. |
Ông Phi cho rằng, do gia đình và đội ngũ thi công xử lý nền móng không tốt khiến ngôi nhà bị nghiêng. Tại địa phương từ trước tới nay, chưa có ngôi nhà nào bị nghiêng như vậy. Trong trường hợp không khắc phục được tình trạng nghiêng, địa phương sẽ yêu cầu cặp vợ chồng phá bỏ ngôi nhà.
Tình trạng nhà nghiêng, lún hoặc sập khi đang xây từng xảy ra tại một số địa phương. Về vấn đề này, thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho rằng, nhà bị nghiêng, lún thường do khảo sát địa chất không kỹ. Trên cùng một khu đất nhưng có tầng địa chất khác nhau, việc xử lý nền móng không phù hợp có thể gây lún, nghiêng nhà.
Bên cạnh đó, khi làm nhà nếu không có sự tư vấn, thiết kế mà chỉ áng chừng theo thói quen, tự thuê thợ thì có thể dẫn tới hệ kết cấu không đáp ứng được tải trọng hay không phù hợp với nền đất khiến nhà bị nghiêng.
Một nguyên nhân khác là do hàng xóm kế bên thi công sau, đào móng sâu mà không thực hiện đúng kỹ thuật khiến móng nhà bên cạnh bị tuột.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, để ngăn ngừa sự cố lún, nghiêng, trước khi thiết kế và thi công nhà, cần tiến hành khảo sát địa chất khu đất. Công trình có quy mô càng lớn thì càng phải thực hiện cẩn trọng.
Theo nguyên tắc, khi khảo sát địa chất, cần tiến hành ít nhất 3 lỗ tại 3 khu vực tiêu biểu. Khâu này đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những công trình lớn, xây dựng trên nền đất yếu. Trên thực tế, do muốn tiết kiệm chi phí nên khi xây nhà phố, nhà ở riêng lẻ, các chủ đầu tư thường có xu hướng bỏ qua bước này.
Ngoài ra, chủ đầu tư không được tự ý nâng tầng hay tăng quy mô, tải trọng công trình sau khi đã thiết kế, thi công. Nếu thật sự cần thiết, chủ nhà nên báo cho đơn vị thiết kế để có biện pháp gia cường móng.
Với nhà đã xảy ra tình trạng nghiêng, lún, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, chủ đầu tư cần thuê đơn vị có năng lực để tiến hành kiểm định đánh giá khả năng chịu lực của toàn bộ công trình, phần móng và thân nhà. Nếu công trình đạt yêu cầu về khả năng chịu lực, có thể gia cố thêm móng và phục chế nghiêng. Tuy nhiên, nếu công trình không đạt yêu cầu thì cần phá dỡ để đảm bảo an toàn cho chính chủ nhà và những người xung quanh.
Theo VnExpress.net