Ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là sự trùng hợp, nhưng lần nào cũng vậy khiến tôi không khỏi nghi ngờ.
Sau khi con trai tôi chào đời, mẹ chồng dọn đến ở cùng và bà càng đối xử tốt với tôi hơn. Suốt 3 tháng đầu, tôi gần như không phải động tay động chân làm gì cả. Khoảng thời gian sau đó tôi chủ yếu là chăm con thôi, chứ việc nhà cửa bếp núc mẹ chồng đều lo hết rồi.
Em gái chồng kết hôn không lâu sau khi tôi sinh con. Vì chồng chỉ có một đứa em gái này khi em lấy chồng, vợ chồng tôi đã đưa một phong bì dày chúc mừng hạnh phúc của em.
Trước khi lấy chồng, em rất ít khi qua nhà tôi chơi dù ở cùng thành phố, vài tháng may ra mới qua một lần. Nhưng từ khi lấy chồng, em thường xuyên qua nhà tôi lắm. Có hôm chỉ ngồi một lúc rồi đi, có hôm thì ăn cơm xong mới về.
Kể từ khi tôi nghỉ việc công ty, ở nhà kinh doanh online thì tần suất em sang nhà tôi ngày càng nhiều. Điều đáng nói là dạo gần đây, mỗi lần em đến chơi thì mẹ chồng lại kiếm lý do gì đó để bảo tôi đi ra ngoài.
Ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là sự trùng hợp, nhưng lần nào cũng vậy khiến tôi không khỏi nghi ngờ. Thậm chí, tôi còn nảy ra những suy nghĩ xấu về mẹ chồng. Có khi nào bà lén lấy tiền đưa cho con gái mà không muốn cho tôi biết, có khi nào bà bảo tôi ra ngoài, tránh mặt đi để nói xấu với con gái về con dâu không?
Tối qua, em gái chồng lại qua chơi sau giờ ăn cơm. Em gái vừa tới, mẹ chồng đã bảo vợ chồng tôi đưa con xuống sân khu dân cư chơi cho thoáng đãng. Chồng tôi nghe theo mà chẳng may mảy nghi ngờ gì. Tôi cũng dạ dạ vâng vâng làm theo, nhưng đi được nửa đường, tôi bảo chồng đưa con xuống sân chơi trước, tôi về nhà lấy ví để tí nữa mua ít đồ dùng cho gia đình luôn.
Đó chỉ là cái cớ thôi chứ mục đích thật sự của tôi là muốn nghe lén mẹ chồng và em gái chồng nói cái gì. Đứng ngoài cửa, tôi sững người khi mẹ chồng đang mắng em gái chồng:
– Mẹ thừa biết con sang đây với mục đích gì? Mẹ sẽ không để con đạt được mục đích đâu. Con đừng thấy chị dâu dễ dãi mà được đà vòi vĩnh. Nó cũng phải cực khổ mới kiếm ra được đồng tiền chứ không phải đi nhặt được ngoài đường đâu. Nó không có nghĩa vụ phải cho con tiền. Mẹ cũng hết tiền rồi, không có cho con moi móc nữa đâu. Con lớn rồi, có gia đình rồi, chi tiêu bớt đi. Thay vì suốt ngày sang đây tìm cách vòi tiền mẹ và chị dâu thì đi tìm cách mà tăng thu nhập đi.
Tôi vốn thoáng tính nên từ trước đến nay em chồng xin gì hầu hết tôi đều đáp ứng, khi thì chiếc túi xách, khi thì vài trăm nghìn… Tôi luôn nghĩ anh em trong nhà có đi đâu đâu mà thiệt, không nên tính toán từng đồng. Nhưng không ngờ em gái chồng lại dựa vào điều này để moi tiền tôi và bị mẹ chồng tìm cách ngăn cản.
Chẳng trách mỗi khi em gái chồng đến, mẹ chồng đều bảo tôi tránh mặt. Mẹ làm vậy là không muốn tôi cho em gái tiền, nhưng cũng sợ nói thẳng ra sẽ làm sứt mẻ tình cảm chị dâu em chồng nên mới chọn cách che giấu.
Biết chuyện, tôi liền xông vào nhà và mắng em gái chồng một trận. Em cũng không phải dạng vừa, mắng tôi ki bo với người nhà và thốt ra những lời khó nghe khác rồi ra về.
Thấy hai chị em cãi nhau, mẹ chồng tôi buồn lắm. Khi em về rồi, mẹ nắm lấy tay tôi nghẹn ngào nói:
– Mới cưới được 1 tháng thì chồng cái Hoa (tên em chồng tôi) đầu tư chứng khoán rồi vỡ nợ. Giờ nó đi làm chỉ để trả nợ chứ không đưa về nhà được đồng nào, mọi chi tiêu trong nhà đều phải dựa vào đồng lương ít ỏi của cái Hoa. Mà cái Hoa xưa nay chi tiêu thoáng tay, hay mua sắm nên thành ra luôn bị thiếu tiền. Vì thế nó mới hay qua nhà mình ăn cơm, vòi vĩnh xin tiền. Trước mẹ thương nên có bao nhiêu móc hết cho nó, không ngờ nó ngày càng quá đáng, chuyển sang vòi vĩnh con. Mẹ thay mặt cái Hoa xin lỗi con.
Tôi biết mẹ chồng buồn vì con gái. Tôi cũng thương hoàn cảnh của em gái và em rể, nhưng cứ ỷ lại vào người khác không phải là cách. Tuy nhiên Hoa lại không biết điều đó là không nên, tôi nên làm thế nào để em hiểu ra vấn đề, thay đổi cách suy nghĩ đây?
Theo Cẩm Tú (Đời sống Gia đình)