Chị Khánh Ngọc (45 tuổi, Cai Lậy, Tiền Giang) đã lùi việc xây dựng vì nghe thầy phán chưa được tuổi làm nhà. Cho đến khi ngôi nhà xây xong thì các con lớn lên lại đi xa.
Sau đây là chia sẻ của chị Ngọc về tiếc nuối khi hoãn thời gian làm nhà vì nghe theo lời phán của thầy:
Vợ chồng tôi đến với nhau khi cả hai đều tay trắng, nội ngoại đôi bên cũng không khá giả. Chồng tôi kinh doanh tự do, tôi làm hành chính trong một cơ quan nhà nước. Sau khi cưới xong, chúng tôi ở chung với nhà chồng cho đến khi có con trai đầu lòng. Bảy người cùng sống trong ngôi nhà cấp 4 không mấy rộng rãi, sinh hoạt bất tiện. Vợ chồng tôi càng quyết tâm làm lụng, tích cóp để mua nhà riêng.
Sau 2 năm, vợ chồng tôi mua được lô đất và xây ngôi nhà cấp 4 ở tạm. Khoảng 10 năm sau, ngôi nhà xuống cấp trầm trọng trong khi các con ngày càng lớn. Đến năm 2013, chúng tôi quyết định làm nhà mới khi tài chính ổn định hơn và cũng muốn các con được sống trong không gian rộng rãi, tiện nghi.
Tôi được một người quen làm ở công ty xây dựng giúp lên bản vẽ, làm dự toán, báo giá căn nhà 3 tầng với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Vợ chồng tôi háo hức chờ ngày khởi công xây nhà.
Việc xây nhà thường bị gián đoạn bởi nhiều gia đình thường coi trọng ngày đẹp động thổ. |
Khi bàn với bố mẹ chuyện làm nhà thì ai cũng bảo đi xem thầy, chọn ngày động thổ để công việc làm ăn sau này được thuận lợi. Nghe lời bố mẹ chồng, tôi đến một thầy ở địa phương xem thì người này phán vợ chồng tôi 3 năm tới không động thổ được vì đang có hạn tam tai. Nội ngoại hai bên cũng gàn nên chúng tôi đành hoãn kế hoạch xây nhà.
Năm 2017, gia đình tôi vẫn phải sống chật vật trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, dột tứ phía. Chúng tôi phải mang chậu ra hứng nước giữa nhà trong những ngày mưa to. Vì xây nhà ở tạm nên không ngăn phòng, chúng tôi phải dùng chiếc tủ để ngăn chỗ ngủ của vợ chồng với các con. Đã đến tuổi teen nên hai con (một trai, một gái) cũng không thể ngủ chung nên đứa nằm ghế, đứa nằm giường. Tuy nhiên, để dành tiền xây nhà mới nên tôi cũng không muốn sửa sang, cải tạo ngôi nhà đang ở.
Thế rồi, chúng tôi cũng chọn được ngày tốt làm nhà vào cuối năm ngoái. Vậy nhnưg, lúc này công ty xây dựng cũ đòi tăng thêm 30% giá bởi chi phí nhân công, vật liệu đều tăng lên. Dù phải vay tiền, vợ chồng tôi vẫn quyết định xây nhà mới.
Sau khi ngôi nhà 3 tầng hoàn thiện, ai tới cũng trầm trồ khen ngợi. Làm xong nhà, tinh thần phấn khởi nên sức khỏe của vợ chồng tôi được cải thiện. Vui nhất là bọn trẻ đã có phòng riêng, góc học tập đàng hoàng. Đến giờ chúng tôi mới có không gian riêng sau 20 năm lấy nhau.
Tuy vậy, hai con tôi chỉ ở nhà mới được 5 tháng. Con trai thi đỗ đại học ở Tp.HCM, con gái lớp 10 cũng đòi đi học trường chuyên ở trên đó để học thêm tiếng Anh. Con gái tôi muốn tìm học bổng để du học.
Vợ chồng tôi thương con nên chiều theo ý các cháu, thuê cho hai anh em một phòng trọ ở Tp.HCM. Chúng tôi thay phiên nhau, cứ cuối tuần mang đồ ăn lên cho hai đứa.
Suốt tuổi thơ, các con tôi đã phải sống trong ngôi nhà chật chội nay lại ở trong phòng trọ ngột ngạt. Trong khi đó, ngôi nhà mới xây chỉ có hai vợ chồng tôi ở, việc lau dọn cũng vất vả.
Nghĩ lại, giá như mấy năm trước chúng tôi mượn tuổi người khác hoặc đi tham khảo nhiều nơi để chọn ngày động thổ thì cả gia đình đã có cuộc sống tốt hơn.
Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (Tp.HCM) cho biết, hiện nay nhiều người vẫn coi trọng chuyện chọn ngày động thổ làm nhà khiến việc xây dựng hay bị gián đoạn, không theo dự kiến. Thực tế cho thấy, việc thi công bị kéo dài do đợi ngày đẹp hoặc phải làm gấp để tránh dịp lễ Tết, mùa mưa… Theo đó, chất lượng công trình cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo ông Hải, nhiều người cho rằng “có kiêng có lành” nhưng các gia đình chỉ nên tham khảo việc xem ngày động thổ và tham khảo ý kiến nhiều nơi. Đồng thời, gia chủ cũng nên xác định tháng thuận lợi để xây nhà trước khi đi xem ngày động thổ. Trong trường hợp chủ nhà không phù hợp thì có thể mượn người trong họ hàng đứng tên hộ để chọn ngày đẹp, tránh để việc xây dựng bị gián đoạn. Ngoài ra, gia chủ cũng nên chọn ngày vào mùa khô nắng ráo để việc xây nhà thuận lợi và an toàn. |
Theo Vnexpress