Làm thế nào mà 2 gia đình này có thể chi tiêu tiết kiệm đến vậy?
Dù còn độc thân hay đã yên bề gia thất, tham khảo cách quản lý tài chính của 2 gia đình này sẽ giúp bạn “bỏ túi” được kha khá bí quyết tối ưu chi tiêu, để tiết kiệm được nhiều hơn đấy!
Gia đình 2 người lớn, 1 trẻ em chi tiêu 22 triệu/tháng, tiền ăn chỉ hết 1,5 triệu!
Đây là câu chuyện của Hồng Thanh (sinh năm 1997). Cô cho biết một tháng, vợ chồng cô chi tiêu hết khoảng 22 triệu đồng cho tất cả các chi phí, từ thuê nhà đến ăn uống, tiền học, tiền bỉm sữa của con. Trong đó, tiền ăn của gia đình chỉ hết 1,5 triệu đồng.
Hiện tại, gia đình Hồng Thanh đang sống tại TP.HCM. Ở thành phố lớn mà cả tháng chỉ hết 1,5 triệu tiền ăn, hẳn nhiều người sẽ đặt ra thắc mắc rất lớn.
Để được ăn đồ tươi ngon, chất lượng mỗi ngày mà chỉ tốn 1,5 triệu đồng cho cả tháng, Hồng Thanh tiết lộ luôn nhờ mẹ chồng mua giúp thực phẩm ở quê rồi gửi lên TP.HCM.
“Mẹ chồng mình có quen nhiều mối bán thịt ở quê nên mua được với giá rẻ lắm, mà thịt đều tươi ngon. Thịt heo khoảng 85k/kg; thịt bò 150-200k/kg, mẹ hay mua của hàng xóm tự thịt; gà 70kg/kg mà là gà thả vườn luôn nha; còn cá thì khoảng 30-60k/kg tùy loại.
Một tháng mẹ sẽ gửi thịt cá cho vợ chồng mình 2 lần, đủ để vợ chồng mình ăn cả tháng. Còn rau củ quả thì mình hay mua ở siêu thị, hay được giảm giá 30-50% nên tổng tiền ăn của hai đứa chỉ khoảng 1,5 triệu/tháng thôi” – Thanh chia sẻ.
Với những khoản chi khác, Hồng Thanh khẳng định vợ chồng cô đã cắt giảm tối đa và không muốn giảm thêm khoản nào nữa. Tiết kiệm cũng quan trọng, nhưng không thể vì thế mà để chất lượng cuộc sống của hai vợ chồng và con nhỏ bị ảnh hưởng.
“Mỗi tháng, sau khi trừ đi hết các chi phí, vợ chồng mình vẫn tiết kiệm được 15 triệu đồng. Các khoản cố định bắt buộc phải chi, mình sẽ để riêng ở 1 tài khoản. Ngay lúc chồng mình nhận lương, chúng mình sẽ chuyển 15 triệu vào tài khoản tiết kiệm; các khoản chi cố định như tiền nhà, điện nước,… thì chồng mình giữ để thanh toán; còn tiền ăn uống của 2 vợ chồng và tiền thuốc men, thực phẩm, bỉm sữa cho con thì mình giữ”.
Mình cũng đã mua bảo hiểm sức khỏe cho cả nhà. Những lúc không may ốm đau chỉ phải chi khoảng 20-30% viện phí, phần còn lại đã có bảo hiểm lo” – Hồng Thanh chia sẻ.
Thu nhập hơn 83 triệu/tháng nhưng chỉ tiêu 15,5 triệu, tuyệt đối không hơn
Trong một group chia sẻ về cách quản lý tài chính cá nhân, một người dùng đã kể lại kế hoạch chi tiêu hàng tháng của mình. Cô cho biết hiện tại đang sống cùng bạn trai. Mọi chi phí sinh hoạt chung đều được chia đôi.
Cô giải thích về các khoản chi trong bảng liệt kê phía trên như sau:
– Hoá đơn: Điện nước, internet, điện thoại, phí quản lý khu dân cư. – Nhà cửa: Chi phí thuê người dọn dẹp.
– Ăn uống: Chi phí mua thực phẩm về nhà tự nấu và mang cơm đi làm; mỗi tháng chỉ “ăn sang” 1-2 bữa.
– Mèo: Chi phí mua hạt, thịt, pate, đồ chơi. – Đi lại: Chi phí đặt xe công nghệ. – Sức khỏe: Chi phí tập Yoga 3 buổi/tuần. – Giải trí: Chi phí đăng ký Netflix, Youtube, Spotify, mua sách; thi thoảng đi xem phim, kịch, ca nhạc. – Mua sắm: Chi phí shopping 2 lần/năm.
– Quà cáp: Mua quà cho bố mẹ 2 bên, cho bản thân, nhân viên,…
– Du lịch: Mỗi năm đi 3 chuyến, 1 chuyến to và 2 chuyến nhỏ.
“Tổng chi phí của mình chiếm khoảng 19% thu nhập, 81% còn lại là đầu tư và tiết kiệm” – Cô chia sẻ.
Nhìn vào file tổng kết chi tiêu mà cô gái này chia sẻ, không ít người trầm trồ vì cô đang chi tiêu hợp lý với mức thu nhập, cộng thêm thói quen tiết kiệm và đầu tư là chẳng “chê” được gì nữa, cũng không có khoản chi nào phải sửa.
Học hỏi được gì từ cách quản lý chi tiêu của 2 gia đình này?
Gia đình 3 người, cả tháng chỉ hết 1,5 triệu tiền ăn; hay thu nhập hơn 80 triệu mà chi tiêu cả tháng chưa tới 16 triệu đều là những chia sẻ khiến phần lớn chúng ta phải trầm trồ khi nghe. Và nếu chỉ nghe thôi, hẳn sẽ có người thấy bán tín bán nghi, đặt ra câu hỏi “làm sao mà như thế được?”.
Tuy nhiên, không có gì là không thể, khi người ta biết cách làm và có kế hoạch thực hiện rõ ràng. Hai gia đình phía trên chính là minh chứng cho lời khẳng định này.
Để tối ưu chi tiêu được như họ, dưới đây là 2 bài học bạn có thể tham khảo.
1 – Phân chia vai trò rõ ràng trong cách quản lý chi tiêu
Với gia đình Hồng Thanh, sự rõ ràng này được thể hiện qua việc chồng cô sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi cố định như tiền nhà, điện nước,…; còn tiền ăn uống của 2 vợ chồng và tiền thuốc men, thực phẩm, bỉm sữa cho con thì Hồng Thanh sẽ là người quản lý. Rất rõ ràng, dễ hiểu và đương nhiên là hiệu quả.
Còn với cô gái đang sống cùng bạn trai và chưa có con, câu chuyện có phần đơn giản hơn: Mỗi người “gánh” 50% các chi phí chung; còn lại tiền ai người ấy tiêu và tiết kiệm, đầu tư riêng.
2 – Sống ở thành phố không có nghĩa là phải mua mọi thứ ở thành phố
Nếu mua thịt thà, rau củ hay nói chung là thực phẩm ở TP.HCM, chắc chắn gia đình Hồng Thanh không thể ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng và đủ ngon với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhờ có mẹ chồng ở quê, quen các mối bán thực phẩm chất lượng, nên chuyện không thể lại thành có thể.
Nếu bạn cũng đang sinh sống và làm việc ở thành phố, có gia đình ở quê, thì đừng ngại nhờ bố mẹ gửi mua giúp thực phẩm rồi gửi lên nhé! Chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều đấy.
Theo Ngọc Linh (Nhịp Sống Thị Trường)