Người chồng muốn ly hôn vì thấy mệt mỏi với cảm giác “không bao giờ tiêu hết tiền” và người vợ quá mải mê với công việc.
Năm 2014, việc Dai Xiuli, người phụ nữ giàu nhất Hắc Long Giang (Trung Quốc) với tài sản 9,5 tỷ Nhân dân tệ, bị chồng đệ đơn ly hôn đã gây chấn động. Điều đặc biệt, người chồng chỉ yêu cầu 1 phần nhỏ tài sản.
Khao khát trở nên giàu có
Dai Xiuli (SN 1963) tại Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, trong một gia đình bình thường, bố mẹ đều là công nhân. Thời điểm đó, nhiều người chỉ muốn có cơm ăn, áo mặc nhưng cô luôn khao khát trở nên giàu có. Cô nỗ lực học tập, muốn thay đổi vận mệnh bằng tri thức, theo Toutiao.
Từ cấp 1 cho tới cấp 3, cô không bao giờ lọt khỏi top 5 của lớp. Cô dễ dàng đậu vào ngành Văn học Trung Quốc của Đại học Hắc Long Giang. Lúc học đại học, cô còn nỗ lực gấp bội. Trong khi những người xung quanh bận yêu đương, lập gia đình, cô chỉ biết đến học hành.
Sau khi tốt nghiệp, cô được phân công làm việc tại tòa soạn Nhật báo Cáp Nhĩ Tân. Công việc này khiến nhiều người ghen tị, nhưng cô lại chán nản vì không nhìn thấy cơ hội thăng tiến.
Vào những năm 1980, Dai Xiuli một mình tới Quảng Đông để làm phóng viên. Hiện thực đã dội một gáo nước lạnh vào cô. Cô buộc phải thích nghi với sự khác biệt về môi trường sống, đồng thời dành nhiều thời gian để bổ sung kiến thức kinh tế và tài chính.
Cô dần kiệt sức vì cuộc sống bận rộn. Tất cả những gì cô có thể nghĩ tới là phấn đấu làm tốt công việc hiện tại.
Tình yêu xuất hiện
Mỗi bài báo viết ra đều được Dai Xiuli đầu tư rất cẩn thận nên được lãnh đạo đánh giá cao. Dần dần cô có chỗ đứng trong toà soạn nhưng chẳng bao lâu sau, cô thấy không hài lòng với mức lương nhận được.
Cùng thời điểm đó, làn sóng du học bùng nổ, cô quyết định nghỉ việc, sang Anh du học tự túc. Năm 1991, Dai Xiuli đến Anh và nhận ra mình còn rất ít tiền tiết kiệm. Cô rất ham học, điều đó đã thu hút sự chú ý của thầy dạy toán Tony Hawken.
Tony Hawken xuất thân trong một gia đình quý tộc, cách ăn nói và hành xử của anh rất tao nhã. Lúc đầu anh không thích tính cách “táo bạo và thẳng thắn” của cô, nhưng sau khi biết được hoàn cảnh, anh lại thấy cô vui vẻ, hào phóng, không hề giả tạo.
Hai người sớm nảy sinh tình cảm với nhau, không lâu sau thì kết hôn. Sau khi kết hôn, Dai Xiuli nhập tịch và đổi tên thành Xiuli Hawken. Hai người yêu nhau đến mức không có ý định sinh con, để có nhiều thời gian bên nhau.
Năm 1992, em trai Dai Xiuli gọi điện nói đất nước mở cửa, rất cần nhân tài, đây là thời điểm tốt để khởi nghiệp. Cô háo hức với điều đó nên muốn trở về Trung Quốc. Tony Hawken vì không muốn xa vợ nên theo cô về.
Tài năng kinh doanh bộc lộ
Ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc trước kia từng là chiến trường. Để tồn tại, người dân phải xây dựng các hầm trú ẩn. Sau này, những hầm trú ẩn này không dùng nữa. Dai Xiuli coi đây là báu vật. Cô cùng với em trai cải tạo các hầm này và cho thuê với giá rẻ.
Cô mở ra một xu hướng kinh doanh mới. Đó là mô hình trung tâm mua sắm dưới lòng đất.
Giá thuê cửa hàng bình dân quá cao khiến người bình thường không đủ khả năng chi trả, lại không có nhiều cửa hàng phù hợp. Lúc này, trung tâm thương mại dưới lòng đất của Dai Xiuli đã trở thành món hàng “hấp dẫn”.
Phương pháp phát triển của cô không chỉ giúp công ty giảm đáng kể chi phí và thiệt hại về môi trường mà còn giải quyết triệt để các vấn đề xã hội, từ đó đạt được tăng trưởng lợi nhuận và phát triển bền vững. Nhờ đó, cô kiếm được rất nhiều tiền.
Đến năm 2007, Dai Xiuli xây dựng nhiều trung tâm mua sắm ngầm ở các thành phố như Bắc Kinh, Quảng Đông. Giá thuê có nơi lên tới 2.000 Nhân dân tệ/m2 (khoảng 7 triệu đồng). Dù giá cao nhưng vẫn luôn có người muốn đặt cọc.
Tên tuổi của Dai Xiuli nổi tiếng khắp cả nước. Năm 2011, cô trở thành người giàu nhất tỉnh Hắc Long Giang, với tài sản ròng khoảng 9,5 tỷ Nhân dân tệ. Cô được các ông chủ giới kinh doanh kính trọng gọi là “nữ hoàng ngầm”.
Tuy nhiên, khi cô ngày càng giàu hơn, chồng cô lại đệ đơn ly hôn.
Chỉ lấy một phần nhỏ
Từ khi về Trung Quốc, Dai Xiuli bận rộn khởi nghiệp, không có thời gian dành cho chồng.
Lúc đầu, Hawken có thể thông cảm nhưng khi sự nghiệp của vợ lên tới đỉnh cao, cô vẫn bận rộn với nhiều thứ. Anh không hiểu tại sao cô không thể dừng lại, tận hưởng cuộc sống.
Hai vợ chồng nhiều lần cãi nhau về vấn đề này, nhưng giải pháp của cô luôn là đưa chồng tới các bữa tiệc xã giao. Điều này càng khiến anh chán ghét. Anh vốn sinh ra trong một gia đình quý tộc, đã quen với những lời xu nịnh trong các bữa tiệc như thế này.
Kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần, Hawken chọn cách trở về Anh, thỉnh thoảng sang Trung Quốc đoàn tụ với vợ trong những ngày nghỉ lễ. Khoảng thời gian này, Dai Xiuli bất ngờ mang thai và sinh được một cậu con trai.
Để lấy lòng chồng, Dai Xiuli thậm chí chi 1,5 triệu bảng Anh để mua 1 căn biệt thự phù hợp với gu thẩm mỹ của chồng. Cô cũng thay thế chiếc xe cổ mà anh đã sử dụng nhiều năm bằng nhiều loại xe sang như Bentley và Rolls-Royce.
Nhưng việc vợ “dụ dỗ” bằng tiền khiến Hawken càng thêm chán ghét. Anh ở lại bên vợ chỉ vì con.
Năm 2014, Dai Xiuli nằm trong danh sách những người phụ nữ giàu có với tài sản ròng 9,5 tỷ Nhân dân tệ. Tuy nhiên, Hawken kiên quyết ly hôn. Anh chỉ yêu cầu được nhận 1 triệu bảng Anh (khoảng 10 triệu Nhân dân tệ), con số quá nhỏ so với khối tài sản khổng lồ của Dai Xiuli.
Dù Dai Xiuli có cố gắng thế nào, Hawken vẫn không chấp nhận. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài 21 năm, nhưng kết thúc trong đau khổ. Tin tức ly hôn của Dai Xiuli gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người thắc mắc lý do ly hôn của hai vợ chồng.
Sau đó, Hawken giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tờ Times rằng, có 2 lý do chính dẫn đến việc ly hôn.
Thứ nhất, anh không có ý thức về sự hiện diện hay thành tựu của mình trong thế giới kinh doanh của vợ, nên không thể tự hào về vợ mình. Thứ hai, anh thấy mệt mỏi với cảm giác “không bao giờ tiêu hết tiền”. Đây không phải là cuộc sống anh mong muốn.
Cuộc sống lý tưởng của anh luôn đơn giản và ấm áp, điều này hoàn toàn trái ngược với Dai Xiuli.
Sau khi ly hôn, Dai Xiuli giao quyền quản lý công ty cho em trai, bắt đầu đi chu du khắp đất nước, tận hưởng cuộc sống bình yên mà trước giờ cô chưa hề nghĩ tới.
Theo Phan Hằng (VietNamNet)