Dù đã bù đủ số chữ nhưng cuối cùng, bài văn của cậu bé vẫn bị điểm 0 tròn trĩnh.
Viết văn luôn là một thử thách rất khó đối với học sinh. Với học sinh tiểu học, thử thách này thậm chí còn khó nhằn hơn khi các em còn chưa có đủ vốn sống để làm phong phú bài văn, khả năng diễn đạt chưa thông thuận, thậm chí nhiều em còn chưa quen cả mặt chữ. Chính bởi vậy mà nhiều “siêu phẩm” sáng tác văn do học sinh tiểu học sáng tác đã khiến netizen được phen cười vỡ bụng.
Bài văn dưới đây của một cậu bé lớp 3 đến từ Trung Quốc cũng được xét vào hàng “siêu phẩm” như vậy. Đọc xong mới biết hóa ra ở đâu, việc viết văn cũng “dằn vặt” các cô bé, cậu bé hết.
Theo đó, cậu bé này được giao cho đề bài viết bài văn miêu tả một ngày của mình, yêu cầu tối thiểu 150 chữ. Viết thì không biết viết thế nào cho hay, bài cô giao thì vẫn phải hoàn thành, cậu bé này đã cho ra đời một bài văn đúng yêu cầu nhưng đọc kiểu gì cũng thấy hài.
“Mình chán quá!
Nguyên một túi hạt hướng dương, một mình mình cắn hết, tổng cộng có 1857 hạt, 26 hạt chỉ có vỏ, 9 hạt có sâu bị lẫn vào, 6 hạt rang chưa kỹ, bị dính vào nhau, còn có 4 hạt đắng ngắt nữa. Giữa chừng mình uống 7 cốc nước. Không sai, đây chính là cô độc.
__
Đoạn trên có tổng cộng 67 chữ, 12 dấu câu, trong đó có 8 dấu phẩy ngắt câu, 3 dấu chấm hết câu, tổng cộng 587 nét, trong đó có 78 nét ngang, 137 nét sổ, 65 nét phẩy, 57 nét mác, 139 nét khác… Đúng vậy. Không sai, đây chính là cảnh giới của nhất của nhàm chán”, cậu bé viết.
Có thể thấy nửa đầu của bài văn khá thú vị và hài hước. Cậu bé không chỉ đếm tổng số hạt hướng dương mà còn phân loại chất lượng của chúng. Cậu bé cũng giải thích lý do vì sao mình làm điều này, cậu bé làm những chuyện vô vị như vậy là vì cô đơn. Tuy nhiên có thể thấy là càng về sau, cậu bé càng không nghỉ ra được gì nữa. Để bù số từ, cậu bé đã nhanh trí nghĩ ra việc đếm số từ trong đoạn đầu, thậm chí còn đếm luôn cả số dấu chấm câu, số nét…
Kết quả là nỗ lực bù đắp số từ của cậu bé tiểu học đã vô ích khi giáo viên vẫn quyết định cho cậu 0 điểm tròn trĩnh. Giáo viên cho rằng bài văn này không đủ tiêu chuẩn và việc cố gắng bù số từ bằng mọi cách thay vì suy nghĩ sẽ khiến cậu bé không thể tiến bộ được.
Về phần mình, cư dân mạng chia ra làm nhiều luồng ý kiến. Một số đồng tình với lời nhận xét của giáo viên. Một số khác thì cho rằng 0 điểm là số điểm quá nghiêm khắc, bởi gì thì gì vẫn không thể phủ nhận được rằng chủ nhân của bài văn là một cậu bé hết sức thông minh và nhanh trí. Còn bạn, nếu là bạn, bạn sẽ cho bài văn này mấy điểm?
Theo Thiên An (Phụ Nữ Mới)