Giáo sĩ J.S. Park đã nghe cả nghìn lời thú tội, sự hối tiếc của các bệnh nhân sắp qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Tampa, bang Florida.
“Khi cận kề cái chết, bị thương, ốm, con người dễ tổn thương và bắt đầu cởi mở về những điều giấu kín từ lâu. 98% sẽ nói cho tôi biết mẫu người mà họ ước mình trở thành, những gì họ ước đã làm”, vị giáo sĩ kể.
Trong gần một thập kỷ, ông Park đã gặp gỡ và lắng nghe tâm sự của hơn 1.000 người. Ông luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn về mặt tinh thần cho bệnh nhân trong những giây phút cuối đời.
Ông Park đã tiếp xúc với những người có thương tích nặng do đạn bắn, hỏa hoạn, té ngã, bị đâm, đột quỵ. “Chúng tôi ở đó không phải để cải đạo hay rao giảng. Hầu hết công việc của tôi là lắng nghe. Tôi có mặt để an ủi, không phán xét”, ông Park bày tỏ.
Vào tháng 4, ông Park đã cho ra mắt cuốn sách mang tên Cần bao lâu tùy bạn ghi lại hành trình ông đã trải qua và những gì ông học được về sự mất mát.
“Một phần của cuốn sách là hồi ký, một phần là những câu chuyện ở bệnh viện và hướng dẫn vượt qua nỗi sầu bi. Tôi mong muốn mọi người thể hiện nỗi buồn theo bất cứ cách nào, la hét, nhảy múa, ca hát, lăn lộn trên sàn, tê liệt, mệt mỏi, tắt máy, không thể khóc”.
Ông Parks nói rằng điều quan trọng là như tiêu đề cuốn sách, bạn có thể đau buồn bao lâu tùy bạn.
“Chúng ta thường được dạy cách kìm nén nỗi đau đó, bước tiếp, buông bỏ, quay trở lại cuộc sống hối hả và tái hòa nhập. Tôi muốn nói, hãy dành thời gian để đau buồn nếu bạn thấy cần, hãy dịu dàng với chính mình”, ông khuyên.
Nghe được lời cuối cùng của bệnh nhân cũng có thể mang lại những bài học quý giá cho người đang sống. Trong khi nhiều người không có đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc sống mà họ mong muốn, ông Park cho biết nhiều người khác có khả năng nhưng cuối cùng lại chọn không làm vậy, hoặc chỉ đơn giản là trì hoãn.
“Cái chết, dù là 30 năm nữa hay ngày mai, sau cùng vẫn sẽ tới”, ông Park nói.
Nếu có thể lựa chọn, có đủ nguồn lực, bạn hãy làm ngay hôm nay để khi nằm trên giường bệnh, bạn có thể nhìn lại và nói: “Mọi chuyện không hoàn hào nhưng tôi đã cố gắng hết sức”.
Đó có thể là dành nhiều thời gian hơn với con cái, theo đuổi một sở thích, kế hoạch hay đơn giản là đặt điện thoại xuống và tận hưởng một khoảnh khắc.
Công việc hằng ngày cũng khiến ông Park trân trọng cuộc sống hơn. Ông thường xuyên chia sẻ trải nghiệm và hiểu biết của mình trên mạng xã hội: “Bạn biết đấy, cuộc sống thực sự rất mong manh, chúng ta tựa như những chiếc đèn lồng giấy và chỉ một tia lửa cũng có thể khiến chúng ta cháy rụi”.
Theo An Yên (VietNamNet)